Hiện nay, người nước ngoài đến đầu tư, làm việc tại Việt Nam ngày càng nhiều, do đó nhu cầu cấp mới thẻ tạm trú để có thể thuận lợi cư trú lâu dài tại Việt Nam là rất lớn, nhưng không phải người nước ngoài nào cũng nắm rõ các quy định về thủ tục cấp thẻ tạm trú tại các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Để giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí. HD Luật hướng dẫn thủ tục đề nghị cấp mới thẻ tạm trú cho người nước ngoài như sau:
1. Các trường hợp người nước ngoài được cấp mới thẻ tạm trú
- Người nước ngoài là thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
- Người nước ngoài là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (trừ người đại diện theo ủy quyền);
- Người nước ngoài là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần;
- Luật sư nước ngoài đã được Bộ Tư pháp cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt nam theo quy định của pháp luật;
- Người nước ngoài có giấy phép lao động đang làm việc tại các loại hình doanh nghiệp, văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài;
- Chuyên gia, sinh viên, học viên, đang làm việc, học tập theo các chương trình, dự án quốc gia ký kết giữa các Bộ, Ngành được Chính phủ phê duyệt;
- Thân nhân đi cùng gồm (cha, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú);
- Người nước ngoài là cha/mẹ, vợ/chồng, con của công dân Việt Nam;
- Các trường hợp khác theo quy định tại Luật xuất, nhập cảnh.
2. Hồ sơ cần chuẩn bị
- 01 Văn bản đề nghị cấp thẻ tạm trú của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh (mẫu NA6 hoặc NA7);
- 01 Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú (mẫu NA8);
- 02 ảnh cỡ 2x3 (phông nền trắng)
- Bản gốc Hộ chiếu của người nước ngoài đề nghị cấp thẻ tạm trú;
- Hồ sơ pháp nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo lãnh đề nghị cấp thẻ tạm trú (Mẫu NA16), nộp kèm theo một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy phép thành lập VPĐD/Chi nhánh công ty (gồm giấy thông báo hoạt động);
- Giấy tờ chứng minh người nước ngoài thuộc diện được cấp thẻ tạm trú, tùy theo từng trường hợp cụ thể có thể là các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy phép lao động/ Đăng ký kết hôn/ Chứng chỉ hành nghề…;
- Các trường hợp thân nhân đi cùng người nước ngoài phải nộp giấy tờ chứng minh quan hệ như: giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ gia đình…..(Chú ý: những giấy tờ do nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự);
- Giấy tờ chứng minh đã thực hiện thủ tục khai báo tạm trú tại địa phương theo quy định (trường hợp khai báo online chỉ cần in tờ khai trên hệ thống nộp kèm theo);
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cử người đại diện đi nộp hồ sơ thì phải có giấy giới thiệu, và xuất trình bản chính CMND thời điểm nộp hồ sơ.
3. Nơi nộp hồ sơ
- Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an)
- Phòng quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh, thành phố);
4. Thời hạn thẻ tạm trú:
- Thẻ tạm trú có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
- Không cấp thẻ tạm trú cho người có hộ chiếu thời hạn còn dưới 1 năm.
5. Quy định về sử dụng thẻ tạm trú:
- Người mang thẻ tạm trú phải thực hiện đúng các nội dung những điều cần lưu ý (ghi rõ trên thẻ tạm trú), khai báo tạm trú đầy đủ;
- Cơ quan, tổ chức bảo lãnh đề nghị cấp thẻ tạm trú phải có trách nhiệm:
+ Quản lý hoạt động của người được cấp thẻ theo đúng nội dung, mục đích đã đăng ký trong thời gian bảo lãnh;
+ Báo cáo và trả lại thẻ tạm trú cho cơ quan cấp thẻ khi người nước ngoài được cấp thẻ chấm dứt công việc, về nước hoặc thay đổi nhân sự… ;
Tin khác