(Chinhphu.vn) – Với 90,68% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, sáng ngày 17/6, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Sáng nay (17/6), tại phiên thảo luận tập trung ở hội trường, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với 438/457 đại biểu tán thành, 11 đại biểu không tán thành và 8 đại biểu không biểu quyết. Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021.
Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp nhà nước gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cố phẩn có quyền biểu quyết thay vì tỷ lệ 100% vốn điều lệ như hiện nay.
Theo quy định mới, doanh nghiệp không phải đăng ký mẫu dấu với cơ quan chức năng. Các quy định cũng nêu rõ những tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm:
Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự./
Đồng thời, Luật bỏ quy định về hộ kinh doanh, không quy định về việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và sẽ ban hành một luật riêng để điều chỉnh 5 triệu hộ kinh doanh thuộc đối tượng này. Trong thời gian chờ đợi, Chính phủ sẽ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh. Trao đổi với Báo Đầu tư trước đó, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật) cho biết, quan điểm của Thường trực Ủy ban là cần nghiên cứu, tổng kết đánh giá về hộ kinh doanh một cách kỹ lưỡng, trình Quốc hội xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. “Hợp tác xã với số lượng chỉ có vài trăm ngàn cũng có một luật riêng, trong khi số hộ kinh doanh mà Chính phủ muốn đưa vào Luật Doanh nghiệp trên dưới 5 triệu hộ”, ông Đỗ Văn Sinh so sánh.
Một lý do nữa, theo ông Sinh, các hộ kinh doanh hiện có đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế. Vì thế, cần có một đạo luật riêng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để các hộ kinh doanh không tăng chi phí mà vẫn được bảo vệ tốt hơn, đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn, nhưng dự thảo luật lại chưa đáp ứng được yêu cầu đó.
“Hiện nay, Chính phủ vẫn muốn đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật theo hướng tiếp tục bổ sung quy định rõ ràng hơn, theo góp ý của đại biểu. Nhưng muốn bổ sung nội dung nào thì phải có đánh giá tác động, nếu đưa vào ngay mà không có đánh giá tác động thì rất khó để thảo luận, quyết định”, ông Sinh nói.
Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, giải quyết hơn 7,9 triệu lao động, tạo ra 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, chiếm khoảng 30% GDP.
Theo: VGP News
Tin khác